(IDE) – Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đồng thời nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo doanh nhân trong cả nước, đáp ứng những biến chuyển của tình hình xã hội – chính trị mới, với phương châm “Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc” và sứ mệnh đồng hành cùng tầng lớp doanh nhân Việt Nam, ngày 22/8, tại Phú Thọ, Trung tâm đào tạo, tư vấn và thông tin kinh tế CETAI – Câu lạc bộ các Nhà Công thương ViệtNam phối hợp với Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ban quản lý khu di tích Phủ Chủ tịch, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phú Thọ tổ chức chương trình “Cốt cách Văn hóa Doanh nghiệp – Nền tảng cho sự phát triển bền vững”.
Theo đại diện BTC, hội thảo được diễn ra trong thời điểm Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh những cơ hội mà quá trình hội nhập quốc tế mang lại cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức rất to lớn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt lên của toàn Đảng, toàn dân, biến thách thức thành cơ hội để phát triển. Trong sự nghiệp trọng đại này, doanh nghiệp Việt Nam có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Để đảm đương được, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp vừa bao hàm được những giá trị phổ quát vừa chứa đựng bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị doanh nghiệp, là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hơn nữa, nó chính là sức mạnh, là tài sản vô hình, là chất keo kết dính các thành viên trong doanh nghiệp, thúc đẩy họ nỗ lực, sáng tạo, đóng góp vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Với ý nghĩa đó, trong bối cảnh hiện nay, đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết đã phát triển luận điểm mới là“ Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, đồng thời chỉ rõ“Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của các doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội, nhà báo, nghệ sĩ, các chuyên gia kinh tế, nhà sử học, nhà sư, giảng viên đại học… Điều đó cho thấy vấn đề nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp cũng như mọi tầng lớp xã hội. Với gần 70 bài tham luận gửi về, các tham luận chia sẻ đa dạng, phong phú các góc nhìn về doanh nhân văn hóa, doanh nghiệp văn hóa, đề xuất các phương hướng xây dựng những doanh nghiệp văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới…. Đặc biệt, đúng với chủ đề hội thảo, các tham luận đặc biệt chú trọng vấn đề định hình cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã chia sẻ về ý nghĩa của cuộc hội thảo: “Hội thảo “Cốt cách văn hóa doanh nghiệp – nền tảng cho sự phát triển bền vững” là một trong những nhịp cầu để tiếp nối truyền thống văn hóa của các nhà công thương xưa với doanh nhân hôm nay. Lịch sử đã ghi nhận hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp doanh nhân nếu có văn hóa sẽ tạo ra được những sản phẩm văn hóa, tạo ra những tâm thế mới cho thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam. Những điều ấy đã và đang được doanh nhân hôm nay kế thừa và phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay của Việt Nam với thế giới. Cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải là lòng tự tôn dân tộc, yêu nước để có tầm nhìn sâu rộng trong công cuộc chấn hưng đất nước hiện nay”.
Ngô Thanh