Giao lưu, đối thoại “đại biểu Quốc hội với DN vùng duyên hải Bắc Bộ” (29/07/2013)

(IDE) – Ngày 28/7/2013, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam phối hợp với một số cơ quan hữu quan tổ chức chương trình gặp gỡ và đối thoại “Đại biểu Quốc hội với doanh nghiệp vùng duyên hải Bắc Bộ” tại Nhà khách Tỉnh ủy – 89 Bạch Đằng, Tp. Hải Dương.

Chương trình được tổ chức, phát sóng trực tiếp từ Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hải Dương, được tiếp sóng trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình được tổ chức tại tỉnh Hải Dương, một trong những “cửa ngõ” giao thông giữa các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ với khu vực đồng bằng sông Hồng rộng lớn và năng động. Sự lựa chọn này thể hiện mong muốn phát triển hơn nữa cơ hội giao thương của các doanh nghiệp tại các vùng miền trên cả nước.

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn CLB các nhà Công thương Việt Nam; Ông Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; Ông Ngô Văn Minh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cùng Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… cùng Hội đồng cố vấn, Hội đồng quản lí CLB các nhà Công thương Việt Nam, hơn 200 doanh nhân vùng duyên hải Bắc Bộ và các tỉnh lân cận.

Tại chương trình, các doanh nghiệp vùng duyên hải Bắc Bộ đã chia sẻ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời bày tỏ mong muốn được giải tỏa những khó khăn về vốn ngân hàng, thủ tục hành chính, hàng tồn kho… và các vấn đề đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri là doanh nhân như Quốc hội có thể làm gì cho DN, ĐBQH của DN là ai, cách tiếp cận ĐBQH của DN như thế nào; vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí; chi phí cho quảng cáo, truyền thông; thông tin về Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp không nên hỏi các ĐBQH chung chung mà hãy hỏi chính các ĐBQH mà các vị đã bỏ phiếu cho họ. Hãy gọi cho các đại biểu ấy và nói rằng: tôi là người đã bỏ phiếu cho ông bà, bây giờ tôi cần ông bà trả lời cho tôi những bức xúc về khó khăn trong công việc… Đó là quyền của các doanh nghiệp cử tri. Và trách nhiệm của ĐBQH mà DN đã bỏ phiếu bầu là trả lời thắc mắc của quý vị”.

Ông Ngô Văn Minh cho rằng việc lãng phí chính sách, những văn bản dưới luật không đúng thời điểm đã gây ra lãng phí cho doanh nghiệp. Để doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng là những lãng phí to lớn về nguồn nhân lực. Ủy viên thường trực UB Pháp luật của Quốc hội kiến nghị doanh nhân, doanh nghiệp là những đối tượng tiên phong trong vấn đề chống lãng phí: tiết kiệm từ bông hoa dùng trong hội nghị; khuyến khích cán bộ công nhân viên năng động, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng chất xám…

Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiêm cứu quản lí kinh tế Trung ương, Thành viên Hội đồng cố vấn CLB, đánh giá: “Cách thức phát triển cũ không còn phù hợp. Có thể lấy ví dụ về du lịch. Đây là vùng rất có tiềm năng về du lịch. Du lịch truyền thống để tạo ra giá trị gia tăng và lợi nhuận vẫn còn nhưng cách thức khai thác du lịch mới không chỉ hoàn toàn gắn với giải trí mà nó còn gắn với văn hóa, gắn với địa hình, địa vật, gắn với tài sản về thiên nhiên. Gắn với giá trị của từng con người, từng làng xóm, từng thành phố một. Cái thứ hai là vùng kinh tế bắc bộ là vùng trọng chữ nghĩa, trọng tri thức lại nằm trong bối cảnh Việt Nam còn rất nhiều vấn đề về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội đan xen. Do đó, bên cạnh việc thay đổi tư duy làm sao có được tính quyết đoán gắn với trách nhiệm, gắn với khả năng giải trình cao là cực kỳ quan trọng.

Sự tương tác giữa kinh doanh với thể chế, tương tác giữa kinh doanh với văn hóa, tương tác giữa kinh doanh với ý tưởng phát triển mới trong một chừng mực nhất định thì cách thức làm ăn ở vùng Bắc Bộ chưa được mở, chưa thật kết nối, chưa thật mạnh mẽ như một số vùng khác như vùng nam bộ. Chính cái học hỏi lẫn nhau, vượt qua chính mình trong đó có sự tương tác giữa truyền thống và cách thức làm ăn chính là thách thức lớn nhất bên cạnh những thách thức chung”.

Sau chương trình, những vấn đề các doanh nghiệp đặt ra tiếp tục được Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam gửi đến Văn phòng và các Ủy ban của Quốc hội.

PV