Ra mắt sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với doanh nhân Việt Nam” (21/12/2015)

(IDE) – Được sự cho phép của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Thông tin Kinh tế (CETAI) (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), là tổ chức có nhiều năm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã tập hợp tư liệu, biên soạn và cho ra mắt cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với doanh nhân Việt Nam”.

Cuốn sách như một nén tâm nhang mà giới doanh nhân Việt dâng lên Đại tướng nhân kỉ niêm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014).

Lễ ra mắt cuốn sách diễn ra vào ngày 20/12 tại tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội với sự tham dự của đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước.

Cuốn sách dày hơn 600 trang gồm 100 bài viết chia làm hai phần chính, tập trung phân tích tầm nhìn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và tình cảm Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho doanh nhân, doanh nghiệp… Thông qua những bài viết này người đọc có thể cảm nhận và hình dung được sự yêu kính, khâm phục cùng những bài học mà doanh nhân, doanh nghiệp rút ra khi hướng về Đại tướng.

Đặc biệt, cuốn sách chứa đựng hồi ức sinh động của hai thư kí của Đại tướng là Đại tá Nguyễn Huyên và Đại tá Trịnh Nguyên Huân về tình cảm, sự trăn trở của Đại tướng đối với sự phát triển của kinh tế đất nước cũng như những tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng dành cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Là người viết lời tựa cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, đây được coi là cuốn sách đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, một lực lượng như Đại tướng đã từng nói: phải là lực lượng xung kích chống đói nghèo, lạc hậu, phải chấn hưng đất nước”.

Theo ông, ngay từ khi Đại tướng tham gia công tác quản lý kinh tế, từ những năm 70, Đại tướng đã tổ chức cuộc hội thảo về Kinh tế biển, đồng thời đưa ra vấn đề “Khoa học và kỹ thuật với chiến lược phát triển kinh tế biển” với quan điểm “Biển là một vấn đề khoa học và kinh tế có ý nghĩa chiến lược. Cũng chính Đại tướng, từ rất sớm đã nhắc đến nền kinh tế tri thức (mà Đại tướng gọi là kinh tế kiến thức).

“Với ý nghĩa đó, đây là cuốn sách rất quý, chứa đựng nhiều tư liệu sinh động, chân thực” – nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam, PGS.TS. Đặng Văn Thanh bày tỏ: “Năm 2014 là năm giỗ đầu của Đại tướng võ Nguyên Giáp và kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), tin tưởng rằng cuốn sách ra đời sẽ tạo một góc nhìn tương đối đầy đủ về tình cảm giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng đã chiến đấu và chiến thắng trên chiến trường – với đội ngũ doanh nhân Việt Nam, những người đã – đang chiến đấu và khát khao chiến thắng trên thương trường. Đồng thời, đây sẽ là nén tâm nhang mà doanh nhân Việt Nam thành kính thắp lên mộ Đại tướng trong dịp đặc biệt này”.

Bên cạnh đó, còn có hơn 50 bài viết của những doanh nhân, doanh nghiệp từng được gặp Đại tướng đã kể lại những cuộc gặp gỡ cảm động, chân tình…

Nhớ lại lần đầu tiên được gặp Đại tướng, doanh nhân Đào Trọng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Thần Châu Ngọc Việt bồi hồi: “Nghe tôi báo cáo và trình bày (về tình hình công ty), Đại tướng rất chăm chú lắng nghe rồi người chỉ bảo tận tình và căn dặn rất thiết thực. Đại tướng nói rằng là người đầu tiên khai sáng nghề cẩn ngọc lên tranh là rất đáng trân trọng nhưng không được tự thỏa mãn với mình, phải tiếp tục nghĩ những cái mới hơn, phải đạt đến trình độ của nghệ thuật chứ không được dừng ở trình độ thủ công mĩ nghệ, đồng thời phải giỏi để đào tạo được thật nhiều các họa sĩ nghệ nhân kế thừa để tạo được thật nhiều công ăn việc làm cho người dân nhất là trên các vùng mỏ đá quý và rồi để trở thành một nghề mới của ngành thủ công mĩ nghệ Việt Nam… Tôi cảm nhận rất rõ nỗi ưu tư về sự phát triển kinh tế đất nước của Đại tướng ngay cả khi tuổi đã cao và không còn giữ các chức vụ như trước”.

Có thể nói cuốn sách là công trình nhằm một lần nữa khẳng định tầm vóc, trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và sự quan tâm của Đại tướng với tầng lớp doanh nhân – lực lượng xung kích thời kì đổi mới, chống đói nghèo, lạc hậu của dân tộc. Cuốn sách cũng thể hiện lòng tri ân của giới doanh nhân Việt Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; khẳng định nỗ lực, quyết tâm xây dựng doanh nghiệp của doanh nhân góp phần khẳng định tâm thế của nền kinh tế Việt Nam như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thu Nguyễn