Doanh nghiệp cần chuyển mình, bắt kịp vận hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (17/05/2018)

(IDE) – Ngày 16/5, tại Trung tâm hội nghị 37 Hùng Vương (số 37 đường Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội), đã diễn ra diễn đàn “Khoa học và công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Diễn đàn do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế; Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam phối hợp tổ chức.

Diễn đàn nhằm mục đích góp phần trong việc qui nạp những kinh nghiệm trong việc thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam với cuộc  cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tham dự diễn đàn có đại diện một số Bộ, ngành ở Trung ương, các Ủy ban, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu đại diện các đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh thành, các nhà làm chính sách, chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, đại diện một số hiệp hội, ngành nghề cùng hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, TSKH. Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định: Chưa bao giờ dư luận tại Việt Nam lại quan tâm tới sự phát triển đất nước như bây giờ, chắc có lẽ vì cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới cùng với đó là cuộc cách mạng công nghiệp mới đang tiến nhanh như vũ bão, mọi chuyện sẽ trở nên lỗi thời trong chốc lát, vì nguy cơ chúng ta có thể bị bỏ lại phía sau, bị tụt hậu xa hơn nữa. Mỗi một người dân đất Việt không muốn phải chịu cảnh tụt hậu, nghèo hèn xảy ra vì Việt Nam là một dân tộc cần cù, thông minh và dũng cảm, một dân tộc rất đáng tự hào vì có lịch sử rất vẻ vang và rất oai hùng, đã chiến thắng biết bao nhiêu kẻ xâm lược nhiều tiền, lắm của, đông người, giàu có, hùng mạnh.

Theo TSKH. Phan Xuân Dũng: Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 có 4 tác động chính đến doanh nghiệp: Kỳ vọng của khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới hợp tác, các hình thức tổ chức. “Dù người tiêu dùng hay doanh nghiệp, thì khách hàng ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế, tất cả đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thưc phục vụ khách hàng. Sự đổi mới không ngừng và liên tục từ số hóa đơn giản (Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3) sang đổi mới dựa trên sự kết hợp, sự tích hợp của các công nghệ cao (Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4) đang buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại cách thức, sự lãnh đạo kinh doanh và điều hành cấp cao của chính doanh nghiệp), TSKH. Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam: Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, là thời cơ để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tại diễn đàn, đại diện cơ quan Trung ương, các nhà làm chính sách, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học cũng đã  đối thoại với các doanh nghiệp, cùng nhau phân tích, chia sẻ về những cơ hội và thách thức đến từ cuộc cách mạng trí tuệ này của nhân loại. Qua đó các doanh nhân hiểu rõ hơn về con đường doanh nghiệp mình phải đi trong bối cảnh toàn cầu kết nối, vun đắp thêm khát vọng doanh nghiệp phát triển, quốc gia thịnh vượng.

Các tham luận tại diễn đàn đã đi vào những vấn đề thiết thực, cụ thể nhất để giúp doanh nghiệp có thể “chuyển mình”, tiếp nhận và tận dụng được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: “Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (TSKH Phan Xuân Dũng), “Cách mạng công nghiệp 4.0: Tận dụng cơ hội để phát triển” (PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế), “Cơ chế hành lang pháp lý nào cho việc tiếp nhận khoa học công nghệ? (TS Nguyễn Sĩ Dũng)… Đặc biệt, vấn đề nhân lực rất được quan tâm tại diễn đàn với các tham luận: “Nhân lực lao động thời chuyển đổi số” (ông Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện John Von Neumann, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), “Một số vấn đề về quản trị nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh)…

Tham luận tại diễn đàn về chủ đề “Quản trị nhân lực”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Cần đưa ra các chuẩn mực để xây dựng thành công nguồn nhân lực chất lượng cao trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Lê Hoàng Châu, kỷ nguyên số đã tác động mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích cũng như thách thức đến công tác quản trị nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Thông qua các trang mạng xã hội, Youtube… giúp cho công tác tuyển dụng nhân sự được thuận tiện, nhanh chóng hơn. Các doanh nghiệp đều đòi hỏi cao về thể hiện năng lực đối với người dự tuyển, nhất là người dự tuyển cao cấp. Ngược lại, người dự tuyển cao cấp cũng đòi hỏi cao hơn về quyền lợi và đãi ngộ ngay sau khi được tuyển dụng. Một bộ phận lao động trẻ không có khuynh hướng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà chỉ muốn trải nghiệm một thời gian rồi “nhảy việc” nhiều nơi. Các doanh nghiệp đều có lực lượng lao động hiện hữu và đều có yêu cầu tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực mới.

Do vậy, để tồn tại và phát triển bền vững, bên cạnh các vấn đề lớn về thương hiệu, vốn, sản phẩm, thị trường, công nghệ, các doanh nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp bất động sản,cần hết sức quan tâm xây dựng thành công nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn bó với doanh nghiệp, trước hết là đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt, chuyên viên và công nhân lành nghề, với các chuẩn mực sau:

Thứ nhất, về chiến lược, xây dựng “văn hóa doanh nghiệp”, coi trọng nguồn lực con người là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp. Trước hết, là cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của doanh nghiệp, trước hết là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng (trước hết, cần chú trọng 3 kỹ năng: Thành thạo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; biết ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh…;  thành thạo công nghệ thông tin, máy tính), để nâng cao năng suất lao động, chất lượng lao động, đáp ứng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới; Đồng thời, coi trọng công tác tuyển dụng, đặc biệt là có chiến lược “săn đầu người” để bổ sung nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp;

Thứ hai, cần coi trọng công tác “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo tinh thần khởi nghiệp, tái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; liên tục rà soát, cập nhật để kịp thời điều chỉnh, đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với quy mô phát triển của doanh nghiệp trong từng thời kỳ; xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả và bố trí lực lượng lao động đúng việc, đúng người để đảm bảo năng suất lao động cao nhất;

Thứ ba, cần gắn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với thực hiện chế độ đãi ngộ lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp thật thỏa đáng, đặc biệt là phải coi trọng xây dựng chính sách tiền lương, thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm xã hội, để nâng cao trách nhiệm, tự giác, sáng tạo, góp phần tăng năng suất lao động;

Thứ tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quản trị doanh nghiệp, thi công, quản lý dự án, quảng bá, giới thiệu dự án, kinh doanh sản phẩm bất động sản qua mạng, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain vào kinh doanh bất động sản, để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; Tích cực tham gia vào đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, và xây dựng “Thành phố sáng tạo phía Đông” bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để vừa đồng hành thực hiện mục tiêu phát triển của thành phố, vừa phục vụ mục tiêu kinh doanh, cũng vừa nâng cao trình độ, năng lực của nguồn nhân lực doanh nghiệp. Đồng thời, coi trọng việc hợp tác với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng thêm tính đa dạng của sản phẩm bất động sản, nhưng vẫn giữ được bản sắc kiến trúc Việt Nam;

Và cuối cùng, doanh nghiệp phải có bộ phận phụ trách nguồn nhân lực có tính chuyên sâu. Người làm công tác nhân sự phải là người có văn hóa, có tâm, có năng lực xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, và luôn quan tâm, thấu hiểu bản thân người lao động và gia đình người lao động trong doanh nghiệp.

Khoa học – công nghệ là vấn đề then chốt, không thể thiếu trong tiến trình Việt Nam tiếp cận và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại một hội nghị gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, doanh nghiệp vừa phải là trung tâm, vừa là động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học – công nghệ vào thực tiễn đời sống. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải có tầm nhìn, mơ ước lớn, thế chỗ cho sự rời rạc, lạc hậu về công nghệ và tư duy kinh doanh hiện tại.

Thực tế đã chứng minh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới được đánh giá là thách thức – thách thức sống còn cho mỗi quốc gia; đồng thời cũng là cơ hội – cơ hội cho quốc gia thịnh vượng.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn nhận thức chưa đầy đủ, tạo ra những lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp, quản trị nhân sự để thích ứng với xu thế phát triển không ngừng của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do vậy, để chớp lấy vận hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những nhận thức đúng, đủ vai trò trách nhiệm của mình trong tiến trình đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu kinh tế quốc tế, bắt kịp vận hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

PV/ Báo Tin tức