Mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững (29/01/2018)

(IDE) – Chiều 28/1/2018, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế (IDE), Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững”, nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp trong phát triển kinh tế năm 2018.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh, năm 2017 đã đánh dấu kỷ lục về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch thương mại… tăng mạnh; Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong năm qua, hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập, thì có thể gọi đó là “kỳ tích”… Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam vần còn tồn tại rất nhiều hạn chế, đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để những biến khó khăn, thách thức đó thành cơ hội phát triển và có tính bền vững cao.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện CIEM, cho rằng: để mở những nút thắt và đạt được những thành tựu đề ra, Việt Nam cần giải quyết được các vấn đề nổi cộm như: về GDP và nợ công. Ngoài ra còn phải kể đến những hạn chế trong chính sách như việc doanh nghiệp chưa kịp đổi mới quản trị, chậm bắt kịp xu thế công nghệ hay như năng suất lao động chưa cao… Đây là những nguyên nhân dẫn đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung mang tính bền vững của đất nước.

Hàng loạt “nút thắt” cản trở nền kinh tế phát triển được các chuyên gia đề cập trong hội thảo. Là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách, đại diện các doanh nghiệp đều đánh giá cao những đổi mới của Chính phủ. Tuy nhiên các tồn tại về thuế, thủ tục hành chính hay như việc ban hành nhiều văn bản pháp lý chưa theo kịp thực tế, gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh…

Đại diện cho Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dũng, nhận định: năng lực của khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự phát triển mạnh mẽ về mặt số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Do vậy, cần phải đặt tiêu chuẩn chất lượng Doanh nghiệp nhỏ và vừa lên hàng đầu, sao cho phù hợp và thích ứng với hội nhập sâu rộng nền kinh tế đa phương hiện nay.

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến sâu sắc được đưa ra nhằm đóng góp cho Quốc hội để sớm thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi trong kỳ họp vào tháng 5/2018.

Cho ý kiến về vấn đề này, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua năm 2004, nhưng trong quá trình 10 năm thực hiện, Luật đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập so với thực tế. Vì vậy, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi bổ sung sẽ đươc mở rộng, xây dựng trên cơ sở những chuẩn mực, khuôn khổ pháp lý chung về cạnh tranh kinh tế quốc tế hiện nay nhằm tạo thuận lợi cho môi trường cạnh tranh quốc tế.

Đa số các tham luận đều đánh giá cao nền tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2018, triển vọng tăng trưởng lạc quan của kinh tế thế giới giúp đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục phục hồi, tăng cao hơn so với năm 2017. Trong bối cảnh này, với nền tảng vĩ mô tương đối ổn định và những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… sẽ góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư FD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước./.

Mai Trang – Trung Thành