“Linh thiêng cội nguồn 2014” (01/04/2014)

(IDE) Ngày 01/4//2014, Nhân dịp giỗ Tổ mùng 10 tháng 03 năm Giáp Ngọ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình “Linh thiêng nguồn cội 2014”.

Chương trình được tổ chức nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của lớp “Con Rồng cháu Tiên” hôm nay, nhất là giới doanh nhân Việt Nam – lực lượng xung kích trên mặt trận chống đói nghèo lạc hậu, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tham dự chương trình có Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổng lãnh sự Đại sứ quán Cộng hòa Angola tại Việt Nam… cùng gần 400 đại biểu và các doanh nhân, doanh nghiệp trên cả nước.

Chào mừng sự kiện này, GS.AHLĐ Vũ Khiêu có thư chúc mừng, trong thư, GS viết:

“Ngày nay trên nền tảng: Nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý đang nổi lên hai thành phần rất quan trọng đó là Doanh Nhân và Trí Thức. Doanh nhân là mũi nhọn trong nền tảng kinh tế. Trí thức là đỉnh cao văn hóa tinh thần. Hai thành phần đó đang giữ vai trò quan trọng được Đảng và Nhà nước tin cậy,  các tầng lớp Nhân dân tôn trọng. Tôi cho rằng Câu lạc bộ sẽ làm được việc to lớn là đoàn kết được các nhà Công Thương cùng một lòng một ý phấn đấu cho dân giàu nước mạnh, xứng đáng là một thành phần vững vàng và đáp ứng triển vọng của xã hội Việt Nam hôm nay và ngày mai”.

Trong phần đối thoại với chủ đề: “Xứng danh con cháu Lạc Hồng”, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chia sẻ: “Nhìn vào lịch sử dân tộc, có thể thấy sự vận động phát triển không ngừng của mọi hiện tượng đời sống, xã hội. Đặc biệt là kinh tế. Có thể có những bước lùi nhưng lùi là để tiến xa và phát triển sâu hơn…”.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, Doanh nghiệp đã “chết” hàng loạt vì khủng hoảng, thời gian tới, có thể nhiều Doanh nghiệp tiếp tục đứng trước sự sống còn. Nhưng lần này là vì không thể theo kịp sự vận động, phát triển và hội nhập của kinh tế quốc tế”.

“Nhưng cũng vì vậy, tôi cho rằng, thời gian tới đây sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới có tính đột phá của kinh tế Việt Nam. Tại sao vậy? Vì chúng ta có những khung đánh giá cao hơn: TPP, AFTA… Vì vậy, Doanh nghiệp sẽ phải biến đổi mạnh mẽ về chất mới có thể tồn tại và phát triển. Và nếu “qua” được những bài kiểm tra này thì các DN sẽ đẩy nền kinh tế đất nước đến một tầm cao mới”. PGS.TS. Trần Đình Thiên đánh giá.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng: các Doanh nghiệp phải tự than vận động, không đưuọc có tư tưởng trông chờ vào cái này cái nọ”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức còn vinh danh “Xứng danh con cháu Lạc Hồng” cho các Doanh nhân đã khẳng định được tâm và tầm của bản thân và DN trên thương trường, có đóng góp hiệu quả, thiết thực, nổi bật trong công cuộc xây dựng, phát triển đóng góp vào sự phát triển đất nước. Chương trình một lần nữa hướng đến mục tiêu chung của Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam: “Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc”

5 doanh nhân được vinh danh bao gồm: ông Nguyễn Đăng Giáp – Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3, Bộ Quốc phòng; ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cà phê Trung Nguyên; bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco; ông Vũ Minh Châu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu; ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi.

Chia sẻ trong chương trình, Doanh nhân Văn hóa Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc, đá quý Bảo Tín Minh Châu chia sẻ: Doanh nhân Việt Nam hôm nay hiểu rằng đang đóng vai trò tiên phong trong công cuộc chấn hưng, khẳng định vị thế dân tộc. Bên cạnh đó, bản chất của sự nghiệp “giữ nước” còn là giữ lấy hồn cốt, phong cách dân tộc – đó là văn hóa dân tộc. Khi nào văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy thì dân tộc đó sẽ hưng thịnh và trường tồn. Các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong hoạt động kinh doanh để có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa cho cộng đồng và xã hội.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức và đoàn Doanh nhân đã dâng hương tại Đền Quốc tổ Lạc Long Quân, Đền Quốc Mẫu Âu cơ và Đền Hùng để cầu cho quốc thái dân an và nguyện khấn Tổ tiên ban phúc. Trước Ban thờ Tổ tiên, các doanh nhân nguyện nỗ lực lao động, sáng tạo vì mục tiêu chúng của đất nước: dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh/.

Ngô Thanh