(IDE) – Ngày 29/5/2013, tại Hà Nội, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Quản trị tài chính – Cửa ngách thoát hiểm cho Doanh nghiệp”.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế cao cấp như TS. Nguyễn Sĩ Dũng, PGS.TS Đặng Văn Thanh, TS. Võ Trí Thành, cùng những doanh nhân thành công như ThS. Vũ Thị Thuận… với mục đích chia sẻ những thông tin mới nhất về chính sách kinh tế, cơ chế tài chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các Chính khách, các chuyên gia kinh tế cao cấp, các doanh nhân thành đạt… từ đó được tư vấn, giải đáp những khó khăn nội tại của doanh nghiệp.
Các tham luận được trình bày trong hội thảo gồm: “Bức tranh toàn cảnh tình hình Kinh tế- Tài chính trong bối cảnh hiện tại” – TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng; “Cửa ngách thoát hiểm cho doanh nghiệp” – TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế trung ương, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng; “Một số chính sách tài chính cho doanh nghiệp”- PGS.TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch CLB các nhà Công thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm UB ngân sách, tài chính của Quốc hội.
Thời gian qua, cơn bão suy giảm kinh tế đã khiến cho nhiều DN lao đao, nhiều doanh nghiệp phải đành tuyên bố phá sản. Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI, trong năm 2012, đã có 58.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động. Còn trong quý I/2013, con số này là 15.283 doanh nghiệp.
Thậm chí, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đó chỉ là “phần nổi” phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp. Còn trên thực tế, số lượng doanh nghiệp thực sự khó khăn, đã tạm ngừng kinh doanh, thu hẹp sản xuất, không có thu nhập chịu thuế (hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ) còn lớn hơn rất nhiều.
“Mạch máu” trong doanh nghiệp
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thị trường rất kỹ, bên cạnh đó cần phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chuyên môn tìm thị trường. Ngoài ra, để quản trị tài chính tốt ở giai đoạn này, trước khi đầu tư, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu sâu về nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cần phải trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp đó sẽ tiếp cận người tiêu dùng như thế nào. Nếu không giải quyết thấu đáo được thì không nên đầu tư.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tài chính là mạch máu ở trong doanh nghiệp. Mọi dự án, mọi kế hoạch đầu tư đều không thể có lãi ngay mà phải có thời gian. Những điều này doanh nghiệp phải cân nhắc thật kỹ, quản trị tài chính ở giai đoạn này càng trở lên quan trọng. Hơn nữa, điều các doanh nghiệp cần nhìn nhận là Chính phủ đã có nhiều chính sách giúp doanh nghiệp. Vừa qua, lãi suất đã hạ và là một xu hướng chung. Nhưng doanh nghiệp không vay được là vì các điều kiện cho vay khó khăn. Ngoài ra, có doanh nghiệp có đủ điều kiện được vay nhưng cũng không vay vì tổng cầu trong thị trường không có, hàng hóa tồn kho và dừng sản xuất. Vì vậy, điều quan trọng là phải có các giải pháp khuyến khích tiêu dùng thì mới có động lực để doanh nghiệp vay.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, điều quan trọng là không nên áp đặt định mức chi phí hợp lý để không phải tính thuế thu nhập đối với doanh nghiệp 10% như hiện nay, mà nên để mở rộng mức chi phí này ra, thậm chí để doanh nghiệp tự quyết. Bên cạnh đó, những công trình có vốn ODA nếu thiếu một ít để giải phóng mặt bằng chẳng hạn, thì cần phải chi ngay khoản đó để giải ngân và kích cầu.
Quản trị tài chính vẫn “ăn đong”
Theo ông Doãn Anh Tuấn – Giám đốc phát triển kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ – Ngân hàng VPBank nhận định, điều quan trọng là phải thiết lập hệ thống quản trị để tính toán cho được tất cả các rủi ro trong kinh doanh có thể có để có biện pháp xử lý tình huống.
PGS TS Đặng Văn Thanh – Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công Thương Việt Nam cho rằng, hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới quản trị tài chính doanh nghiệp, nhất là mô hình quản trị tài chính theo phương pháp hiện đại. Trong một số trường hợp vẫn theo mô hình quản trị truyền thống, vì là mô hình quản lý cũ nên tính hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, do tác động của cả khách quan và chủ quan nên không ít doanh nghiệp quan tâm chưa đúng mức tới nội dung của quản trị. Thậm chí vẫn quản trị tài chính theo kiểu “ăn đong”. Các doanh nghiệp cũng chưa tạo dựng được các mối quan hệ bạn hàng, đối tác trong mối quan hệ tổng thể, để từ đó cùng nhau xử lý khó khăn. Chẳng hạn để giải quyết hàng tồn kho, một mình doanh nghiệp đứng ra giải quyết không được, phải làm sao biết chăm sóc khách hàng, thậm chí chấp nhận lợi nhuận ít, tạo điều kiện để doanh nghiệp đối tác có vốn… Trong nhiều trường hợp phải dùng các mô hình quản trị tài chính hiện đại thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu chỉ giải quyết mang tính đơn lẻ, sự vụ, tình huống… thì sẽ không giải quyết được vấn đề.
Trong quản trị không thuần túy là quản trị nguồn vốn, quản lý kinh doanh lãi hay lỗ. Điều quan tâm là làm sao phải quản lý được các rủi ro trong hoạt động về tài chính, từ rủi ro đó người ta nhận dạng nó, có biện pháp để hạn chế, đặc biệt là rủi ro về tài chính, đầu tư, cạnh tranh như hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị sức đề kháng cho mình bằng cách tạo lập ra các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa hạn chế rủi ro, trong trường hợp có rủi ro thì sẵn sàng ứng phó. Đây là điều doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, do doanh nghiệp chưa chủ động.
Bảo Nam