(IDE) – Hội thảo diễn ra ngày 12/8/2012, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), do Trung tâm đào tạo, tư vấn và thông tin kinh tế trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ, Ban, ngành, các chuyên gia kinh tế, luật sư liên quan và các doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở nước ta nhờ chú trọng phát triển công nghệ và khả năng nắm bắt thị trường nhanh nhạy đã vươn lên ngày càng lớn mạnh, khẳng định chất lượng, uy tín của sản phẩm thương hiệu Việt. Nhưng song hành với quá trình này, giữa các doanh nghiệp cũng có sự cạnh tranh gay gắt. Điều đáng lưu tâm là đã có nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm tổn hại đến uy tín, lợi ích của các doanh nghiệp, làm giảm sức vươn của nền kinh tế Việt Nam.
Diễn ra trong bối cảnh này, Hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt Nam – Những cơ sở pháp lý” là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, các luật sư, các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, đánh giá về thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đẩy lùi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, từ đó giúp các thương hiệu Việt Nam chân chính có thêm động lực để hoạt động và phát triển.
Tại hội thảo, các doanh nhân đã bày tỏ khát vọng xây dựng những thương hiệu hàng hoá vững mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và tăng cường uy tín quốc gia. Theo doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, trong bối cảnh hiện nay, cuộc Hội thảo là vô cùng cần thiết. Đây là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ khát khao: “Làm cho thương hiệu Việt tỏa sáng trên mức độ toàn cầu vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp để bảo đảm an ninh và phát triển đất nước”, ông Vũ nói. Đồng thời, ông Vũ cũng chia sẻ những suy nghĩ về việc “Làm thế nào để chúng ta có được một thương hiệu toàn cầu, hay nói cách khác các phẩm chất của một thương hiệu toàn cầu đến từ một quốc gia đang phát triển như Việt Nam”.
Bên cạnh đó, các doanh nhân cũng chia sẻ những bức xúc và bày tỏ sự lo ngại khi những sản phẩm đã đạt Thương hiệu Quốc gia bị xâm hại thông qua nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh: bị làm giả, làm nhái, tung tin đồn thất thiệt, bị thâu tóm bằng nhiều thủ đoạn… Trong khi đó, vẫn chưa có một hành lang pháp lý cụ thể, hiệu quả để bảo vệ sản phẩm Thương hiệu Quốc gia. Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát phát biểu: “Chúng tôi cũng muốn chia sẻ với quý vị rằng, hiện nay trên thị trường đang có sự cạnh tranh không lành mạnh. Điều đáng nói đó là những việc làm không đủ chứng cớ pháp lý, thậm chí là bịa đặt, vu cáo người ta bất chấp các thủ đoạn để làm giảm uy tín của các Doanh Nghiệp chân chính”. Dầu vậy, các doanh nghiệp vẫn bày tỏ quyết tâm: Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế trước những cạnh tranh khốc liệt nhiều khi ở thế từ trong nước ra, từ ngoài nước vào, các doanh nghiệp vẫn đồng lòng bền lòng, cùng với sự ủng hộ của nhà nước và cộng đồng, giữ vững những thương hiệu xứng tầm đại diện cho quốc gia.
Chia sẻ với những quyết tâm, khát vọng và đặc biệt là những lo lắng của doanh nghiệp về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp và ảnh hưởng tới nền kinh tế chung của đất nước, các đại biểu Quốc hội, đại diện Văn phòng Quốc hội, các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế… đã khẳng định thực trạng này và những hậu quả của nó. Đồng thời phân tích các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp xử lý, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và công tác tư pháp để bảo vệ các Thương hiệu quốc gia nói riêng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính nói chung.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH và CN nhấn mạnh: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp diễn ra phổ biến và nghiêm trọng mà nguyên nhân đến từ vấn đề nhận thức xã hội, hệ thống thực thi, hệ thống đào tạo, cung cấp thông tin, hệ thống quản lý… Từ đó ông đề xuất các giải pháp bao gồm: Nâng cao hiệu quả của các Cơ quan có thẩm quyền, Nghiên cứu khả năng xây dựng Toà án chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Nâng cao hiểu biết của xã hội về sở hữu trí tuệ đồng thời Tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra, và giám sát việc tuân thủ pháp luật.
Từ đó, một vấn đề khác cũng được đề cập đến là vai trò của truyền thông trong việc xây dựng, bảo vệ Thương hiệu Quốc gia. Các đại biểu đều mong muốn: trước những sự việc có tính hiện tượng, truyền thông cần tìm hiểu, làm rõ bản chất vấn đề rồi mới thông tin đến dư luận; việc đưa tin vội vàng, thất thiệt có thể sẽ đẩy doanh nghiệp đến tình trạng “được vạ thì má đã sưng”.
Báo Tin tức