(IDE) – Ngày 19 tháng 3 năm 2013, tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã diễn ra triển lãm tranh “Nối hai thế kỷ” của họa sĩ Phạm Lực, từ bộ sưu tầm của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 70 của họa sĩ do Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam (thuộc Trung tâm đào tạo, tư vấn và thông tin kinh tế CETAI) và Câu lạc bộ những người yêu tranh Phạm Lực tổ chức.
Tham dự triển lãm có sự hiện diện của đông đảo những người yêu tranh Phạm Lực như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Đại sứ Đan Mạch, Đại sứ Nhật Bản,… cùng các họa sĩ, Hội đồng cố vấn, Hội đồng Quản lí và hội viên Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam.
Giới thiệu về tranh của họa sĩ Phạm Lực, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Chủ tịch danh dự CLB những người yêu tranh Phạm Lực cho biết:
“Cuộc sống mà họa sĩ Phạm Lực mô tả qua những đường nét và màu sắc là những gì diễn ra trong thế kỷ XX và một phần của thế kỷ XXI. Đây là khoảng thời gian của muôn vàn những sự kiện, muôn vàn những xô đập và biến động. Trong một bối cảnh như vậy, rất nhiều điều về thân phận của con người, về sướng khổ của kiếp chúng sinh rất dễ bị bỏ qua, bị quên lãng. Đó âu cũng là lẽ thường tình, là điều dễ được biện hộ. Rất may, với sự nghiệp sáng tạo của họa sĩ Phạm Lực, những điều này đã được ghi nhận lại và trở thành bất tử. Sự nghiệp sáng tạo của ông chính là cầu nối giữa hai thế kỷ, giữa chúng ta với quá khứ, và có lẽ, cả với tương lai của chính mình. Tranh của họa sĩ Phạm Lực mô tả những góc khuất của chiến tranh, những cảnh làm ăn tần tảo, những trạng thái tâm lý đa dạng, đa chiều của những người dân đất Việt. Tất cả đều sinh động, đều chân thực đến nao lòng!
Tranh của ông là sự kết hợp kỳ tài giữa kỹ thuật của hội họa Pháp (có sự ảnh hưởng của Trường Mỹ Thuật Đông Dương thành lập năm 1925) và của hội họa truyền thống Việt Nam. Ông vẽ khỏe khoắn, bạo liệt, đẩy sự hài hòa của đường nét và màu sắc đến điểm tận cùng của chúng. Đây là một sự hài hòa mong manh như làm xiếc trên dây. Nhấn thêm một chút hoặc bớt đi một chút sẽ không còn là đỉnh cao, là sự khôn cùng. Và đây chính là điều làm nên sự đặc biệt, sự mê hồn của tranh Phạm Lực”.
Triển lãm kéo dài từ 19/3 đến 29/3/2013.
Vài nét về Họa sĩ Phạm Lực:
Họa sĩ Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế, nhưng sống toàn bộ tuổi thơ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh – quê ngoại của ông. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Chương, là chắt của đại thi hào Nguyễn Du. Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Có thể đây là nguồn gốc sâu xa của tài năng mà ông có được. Điểm khác nhau giữa ông và cụ tổ đàng ngoại là: Nguyễn Du mô tả cuộc sống bằng ngôn từ và vần điệu; Phạm Lực mô tả cuộc sống bằng đường nét và màu sắc.
Ngô Thanh