(IDE) – Đây là chủ đề của chương trình hội thảo do Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Thông tin Kinh tế CETAI, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương vừa tổ chức tại Hà Nội. Chương trình tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Kĩ thuật số VTC.
Hội thảo là hoạt động thường niên của Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Thông tin Kinh tế CETAI, Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam. Chương trình nhằm nhìn lại chặng đường đã qua năm 2016, tổng kết những thành công và rút kinh nghiệm từ những tồn tại của nền kinh tế. Chương trình cũng định vị những thách thức và thuận lợi trong năm 2017 với mong muốn định hướng, thông tin giúp các doanh nghiệp hiểu rõ bối cảnh hiện tại để có hướng đi phù hợp trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội thảo, phần tọa đàm với sự tham gia của hai diễn giả là TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của gần 200 đại biểu là doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trên cả nước đến tham dự chương trình.
Điểm nhấn 2016: Nhiều dấu ấn tích cực
Trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều thách thức khi GDP không đạt mục tiêu, nợ công tăng cao, nhiều tỉnh trải qua sự cố môi trường chưa từng có…, bức tranh kinh tế Việt Nam 2016 vẫn nổi bật với nhiều gam màu sáng, trong đó phải kể đến số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đạt kỷ lục, thu hút FDI tăng… Năm 2016 cũng được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, tạo tiền đề cho việc phấn đấu thực hiện tới năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.
Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, 2016 là năm có nhiều khởi sắc đối với các doanh nhân, khi vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp đã được nhìn nhận một cách đầy đủ. Cụ thể, lần đầu tiên sau nhiều năm, kinh tế tư nhân đã được ghi nhận là động lực phát triển của nền kinh tế. Việt Nam cũng xây dựng xong bộ máy nhà nước các cấp với tư duy và tâm thế phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một Nhà nước kiến tạo phát triển được thúc đẩy, điều này tạo điều kiện cho một giai đoạn làm ăn dễ dàng và đáng tin tưởng hơn.
Năm 2016, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21% trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tổng đầu tư toàn xã hội 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Việt Nam không nên quá lạc quan với bức tranh kinh tế của năm 2016. Mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, song khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016 lại bị đánh tụt 23 bậc. “Môi trường kinh doanh là của những người làm công tác quản lý, còn khả năng cạnh tranh là của chính các doanh nghiệp”, TS. Kiên lưu ý.
Sức bật 2017: Tạo đà cho doanh nghiệp
Chia sẻ về sức bật 2017 đối với kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tiếp tục tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, cần tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Đây vẫn là mảnh đất màu mỡ, nếu biết phát triển sẽ tận dụng được lợi thế về điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng. “Nếu có quyết tâm, có tư vấn tốt cộng với quản trị doanh nghiệp tốt thì lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2017 có khả năng đi 5 về 10”, ông Kiên nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, khu vực và sẽ tiếp tục ký kết thêm nhiều các FTA trong thời gian tới. Để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập, câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp lớn Việt đã đủ nội lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hay chưa? Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp để doanh nghiệp trong nước phục hồi, giảm thiểu tình trạng nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ (tốc độ khối doanh nghiệp FDI cao hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước).
Về phía các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần nắm vững môi trường vĩ mô để hoạch định chiến lược của mình; phải xác định khả năng mở rộng thị trường trước, mở rộng sản xuất sau; tập trung đầu tư vào nông nghiệp – lĩnh vực Chính phủ đang thúc đẩy; tìm cách tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động. Khi Chính phủ khẳng định sẽ cởi trói vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp cần tranh thủ thời cơ này trên nền tảng tìm hiểu kỹ thị trường trong và ngoài nước.
Khánh Duy